Di sản văn hoá quý báu
Theo các nhà sử học phỏng đoán, gia phả đã xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú ở Giao Chỉ, hoặc gần hơn tức là từ thời Lý Nam Đế (khoảng nǎm 503-548). Nhưng phải đến thời nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả (ghi cả thế thứ, tông tích toàn họ), phả ký (ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên). Thuật ngữ “Gia phả” là từ Hán Việt. “Phả” còn được gọi là “Phổ”, chỉ là một cuốn sổ để ghi chép. Chữ “Phả” cũng còn có nghĩa là trưng bày hay là ghi chép thứ tự. Nói cho gọn nghĩa theo chữ Hán thì “Gia” tức là nhà, còn “Phả” tức là phả vào, chép vào.
Gia phả dòng họ Nguyễn Đông Tác (Bản chép năm 1932, nguồn: Wikipedia)
Theo Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì Gia phả là quyển sách chép “Thế hệ lịch sử tổ tiên trong họ”. Theo cách hiểu Á Đông thì gia phả là quyển sách ghi chép liên tục đời này tiếp qua đời khác tên tuổi Tổ tiên và con cháu của một nhà, một dòng họ. Ở Việt Nam, gia phả có trước và nhiều nhất ở miền Bắc và miền Trung. Cuốn sách “Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu” đã tập hợp được 286 bộ gồm Ngọc Phả, Thần Phả, Thánh Phả và Gia Phả của các dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Vũ, Đinh, Phạm, Hồ…Trước đây, gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán-chữ Nôm, nhưng qua nhiều năm chiến tranh, nhiều bộ gia phả của các dòng họ cũng mất dần.
Gia phả là nơi để lưu giữ lại những thông tin thành viên của họ tộc từ tên, tuổi, vai trò trong dòng họ, công đức của các thế hệ tiên tổ, cha ông các thế hệ. Đây được coi là gốc rễ, cội nguồn và cũng chính là cơ sở để tiếp nối tưởng nhớ, là điểm tựa tinh thần cho thế hệ con cháu hiện tại từ những hình ảnh quá khứ. Người xưa có câu “nhà có phả như nước có sử”, ý nghĩa của câu nói ấy thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của gia phả. Nếu không có gia phả, dòng họ ấy coi như không có nguồn gốc và mất đi giá trị văn hoá cơ bản. Nói Gia phả như một di sản văn hóa quý giá vì nó không chỉ là cơ sở để dòng họ, các chi họ lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn, mà còn luôn giữ vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc củng cố gia tộc, gia đình và giáo dục đạo đức cho con cháu.
Gia phả là cơ sở để dòng họ, các chi họ lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn (Nguồn: vatgia.com)
Bức tranh lịch sử văn hóa của dòng họ
Nguồn gốc họ của người Việt Nam có từ rất lâu đời, nếu không có những ghi chép của sách cổ hoặc gia phả cổ, thì người đời sau rất khó tìm hiểu. Gia phả đóng vai trò như một bức tranh lịch sử văn hoá của dòng họ giúp con cháu đời sau nhìn lại. Đây là bức tranh tổng thể, gồm chi tiết các thông tin nguồn gốc họ của mình. Cùng với sự phát triển của thời đại, nội dung của gia phả cũng phong phú theo, gia phả thời cận và hiện đại cơ bản đã có mười mấy nội dung chính, như thể lệ, lời tựa, văn hiến, bài tế, ân vinh lục, nghi điển, truyện, tán, hành thực, hành trạng, văn nghệ, quy huấn, hành đệ, dư đồ, phả hệ,… Trong gia phả, phần quan trọng nhất là bảng phả hệ. Nó nói rõ các thành viên trong một gia tộc, ví dụ: quan hệ cha con, anh em, viết rõ sơ đồ tên thành viên trong gia tộc của tổ tiên và thế hệ sau. Có bốn cách thức trình bày cơ bản, bao gồm:
- Âu thức (phân ô các thời đại, sắp xếp theo hàng ngang từ phải sang trái, năm thế hệ là một bảng, sử dụng rất thuận tiện)
- Tô thức ( các thế hệ sắp xếp theo hàng thẳng đứng, giữa các thế hệ không có đường kẻ ngang nối tiếp, toàn bộ đều dùng đường kẻ thẳng nối tiếp)
- Kiểu tháp thức (nhìn hình dáng bên ngoài giống như cái tháp, tên người trong các thế hệ được sắp xếp từ trên xuống dưới)
Tính năng "Cây gia phả" của ứng dụng Việt Tộc sắp xếp theo kiểu tháp thức
- Điệp ký thức (không dùng đường kẻ ngang dọc để nối tiếp mối quan hệ giữa mọi người trong các thế hệ, mà chỉ dùng chữ viết để thể hiện quan hệ này)
Đường hiệu góp phần không kém quan trọng trong gia phả. Trong gia phả, đường hiệu có ý nghĩa gắn bó mối quan hệ giữa họ và họ hàng, cũng là một trong những đầu mối quan trọng để thế hệ sau tìm hiểu về cội nguồn. Tên gọi Đường hiệu nói chung lấy từ tên quận, huyện. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của gia tộc họ, đã xuất hiện nhiều tên họ nổi tiếng. Để giáo dục tộc họ truyền thống, Gia huấn được sinh ra và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong gia phả. Để duy trì chế độ pháp chế cần thiết, gia tộc đã định ra quy phạm hành vi nhất định để ràng buộc thành viên trong gia tộc, đây chính là nguồn gốc đầu tiên của gia huấn gia pháp. Sở dĩ gia huấn được người đời coi trọng, vì mục đích của nó vẫn tôn sùng trung, hiếu, tiết, nghĩa, dạy con những lễ nghi, và bản tính liêm khiết. Nhìn chung, gia phả là hình ảnh phản ánh một dòng họ. Nhìn vào gia phả, chúng ta có thể nhìn ra nguồn gốc, giá trị của dòng họ.
Tạm kết
Từ một họ đến một nhà, một nước, không thể không biết nguồn gốc của mình bắt đầu từ đâu, nhận biết được nguồn gốc họ của mình bắt đầu từ khi nào. Mỗi bộ “Gia phả” đều giới thiệu cụ thể nguồn gốc họ của mình, như vậy mới có thể kế thừa từ đời nọ sang đời kia, cũng có thể lưu truyền nguồn gốc của dòng dõi đến hàng nghìn năm.