06.06.2022
Cây gia phả trong bối cảnh hiện đại
Ngày xưa, trong triều đình cũng đã xuất hiện cây gia phả. Họ thường gọi với cái tên trang trọng hơn là ngọc phả hay thế phả. Lúc mới đầu, gia phả chỉ xuất hiện trong Hoàng tộc cùng giới quan lại. Giai cấp tri thức này rất “chuộng” cây gia phả bởi những tiện ích của nó mang lại rồi cứ thế lan rộng dần ra và phổ biến trong khắp cả nước. Và, điều này giúp cho cây gia phả vẫn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, với nhịp sống hiện đại và bộn bề như ngày nay, Cây gia phả cũng không còn giữ được nét đẹp trọn vẹn của nó

Cây gia phả chưa được phổ biến rộng rãi đến con cháu trong dòng họ

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Con người sinh ra có nhu cầu tồn tại và phát triển, nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của bản thân. Từ thời xa xưa, con người đã di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác, tìm những nơi thích hợp cho sự sinh tồn. Khi xã hội ngày càng phát triển, con người di cư theo nhu cầu tăng không ngừng. Chính vì thế, tình trạng ngày nay, con xa bố mẹ, cháu xa ông bà không còn là những điều lạ lẫm nữa. Sự xa cách giữa những người thân, họ hàng trong một gia đình đã khiến cho sợi dây kết nối các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Hệ quả là, một bộ phận thế hệ sau không kế thừa, tiếp thu những giá trị văn hoá của thế hệ cũ, làm cho văn hóa dòng tộc phần nào đó ngày một phai nhạt mà trong đó Cây gia phả là một ví dụ điển hình. Gia phả là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ và mộ phần của một gia đình lớn hay một dòng họ. Vốn dĩ nó phải được lưu truyền, phổ biến rộng rãi cho các thế hệ đời sau, nhưng vì khoảng cách giữa các thế hệ, cũng như sự xa cách của các thành viên trong gia đình, Cây gia phả ngày càng mờ nhạt và không thể đảm bảo hoàn thành trách nhiệm vốn có của nó. Thông thường, Cây gia phả chỉ được cất giữ, bảo quản trong nhà thờ họ, từ đường và ít khi được mang ra sử dụng. Thế hệ trẻ có thể dành hàng giờ để bàn chuyện hôm nay có gì “hot”, xã hội đang có gì nổi cộm, nhưng lịch sử gia đình (Gia phả họ tộc) thì không phải ai cũng hiểu rõ cặn kẽ tận tường. Khi có ai hỏi về ông bà thì rất đông người chỉ biết tên ông nội (ít biết tên bà nội); hỏi về tổ quán xa xưa thì được trả lời chung chung là ông bà gốc ngoài Bắc, gốc ở miền Trung, v.v.  mà không biết năm nào, gốc gác ở đâu. Nói như vậy không sai nhưng xét cho thấu tình đạt lý là còn thiếu sót.

Chữ trong gia phả bị mờ và nhoè, chất lượng giấy không tốt, v.v.

Việc ghi chép gia phả được thực hiện từ ngàn đời xưa, khi ấy các thế hệ cha ông thường khắc lên gỗ hoặc ghi chép lại bằng giấy dó. Đây là những chất liệu có tuổi đời lâu nhất, từ khi các phương tiện bảo quản chưa được phát triển. Trải qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, gia phả của nhiều dòng họ không còn nguyên vẹn ( giấy bị rách, bị cháy; mất trang; không còn nguyên vẹn cả quyển,v.v.). Ngoài ra, mực viết ngày xưa thường làm bằng chất liệu thiên nhiên, lại không có máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất nên chất lượng rất kém, chỉ dùng được trong thời gian ngắn, khiến cho việc thể hiện thông tin không được rõ ràng. Hơn nữa, phần lớn các Gia phả được viết theo Hán tự hoặc chữ Nôm, do đó, để hiểu được nội dung cũng không phải dễ dàng, phải tốn rất nhiều công sức tìm những nhà Nho để dịch lại. Nhìn chung, những thiếu sót này đã khiến cho việc tìm hiểu những thông tin liên quan đến ông bà, tổ tiên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy khó khăn nhưng hiện nay có rất nhiều người mong muốn phục dựng lại gia phả của dòng họ mình để lấy đó làm nguồn tài liệu lưu truyền đến những đời sau. ảnh bài viết Gia phả dòng họ Nguyễn Đông Tác (Bản chép năm 1932, nguồn: Wikipedia)

Gia phả không được cập nhật thông tin thường xuyên

Đời sống kinh tế phát triển và nâng cao khiến việc phát triển dân số của Việt Nam cũng được thúc đẩy. Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,51 triệu người, tăng 922,7 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Ước tính cho thấy, một họ có rất nhiều chi, trong chi lại nhiều hộ gia đình, một hộ gia đình lại có từ 3-4 thành viên, nên việc phát triển dòng họ thường tăng theo cấp số nhân. Việc cập nhật thông tin con cháu trong dòng họ cũng chính vì thế mà trở nên rất khó khăn. Thông thường, trong một dòng họ chỉ khoảng vài người quản lý Cây gia phả, nên họ không thể nhanh chóng cập nhật thông tin. Không chỉ thế, để nắm bắt tình trạng người trong Gia phả còn sống hay đã mất cũng không phải dễ dàng gì. Nếu để tình trạng này kéo dài, Cây gia phả sẽ luôn rơi vào trạng thái thiếu hụt thông tin, dẫn tới hệ quả là rất nhiều thành viên các đời về sau phải đợi rất lâu để được cập nhật vào Cây gia phả của dòng họ. Đây là điều tối kỵ bởi gia phả là bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ, mà bản sử ký thì nên đầy đủ và toàn diện.

Thế hệ sau ít quan tâm đến giá trị văn hóa dòng họ, nhất là Cây gia phả

Nếu như nói rằng quê hương, Tổ quốc là cội nguồn của những thành viên của một cộng đồng dân tộc nói chung, thì dòng họ (hay họ tộc) là nguồn gốc trực tiếp của những thành viên có cùng một dòng máu, do một tổ mà ra. Dòng họ như một gốc cây mà các chi họ, các thành viên các đời nối tiếp nhau như những cành cây đâm chồi từ gốc mà có. Người xưa thường nói: "Chim có tổ, người có tông" cũng như "Cây có cội, nước có nguồn", đấy là lẽ đương nhiên và cũng là niềm tự hào của muôn người. Chăm sóc, bảo vệ, phát triển nòi giống, dòng tộc, thờ phụng tổ tiên, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông, của gia đình, họ tộc là bổn phận, trách nhiệm của các thế hệ nối tiếp nhau. Nhưng thực trạng đáng buồn hiện nay, thế hệ trẻ lại ít quan tâm đến những giá trị đó. Họ quan tâm đến đời sống cá nhân của họ nhiều hơn, với những thứ mới mẻ và hiện đại. Văn hóa dòng tộc nói chung  hay Cây gia phả nói riêng, có lẽ đối với nhiều bạn trẻ là những thứ không cần thiết phải quan tâm, không biết cũng được bởi sự chủ quan của các bạn trẻ. Họ chỉ co mình trong một mối quan hệ nhỏ bé nhất định. Hay nói cách khác, họ chỉ có nhu cầu biết, tương tác và tiếp xúc với những họ hàng gần mà không có nhu cầu rộng hơn với các mối quan hệ xa hơn.  Ngoài ra, sự giáo dục con cái của các bậc cha mẹ hiện nay cũng chưa triệt để, khi họ cũng quá bận để quan tâm đến việc phải truyền lại, dạy lại cho con mình nguồn cội, gốc gác của gia đình.

Tạm kết

Vốn dĩ Gia phả là một di sản văn hóa quý giá, không chỉ là cơ sở để dòng họ, các chi họ lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn, gia phả còn luôn giữ vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc củng cố gia tộc, gia đình và giáo dục đạo đức cho con cháu. Tuy vậy, vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, Cây gia phả hiện nay đã không còn giữ được nguyên vẹn giá trị của mình. Do đó, việc giữ gìn Gia phả đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu trong việc lưu trữ giá trị văn hóa dòng họ và phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn thận và mang trong đó một lòng biết ơn sâu sắc. Có như thế, Cây gia phả mới dần dần khôi phục được những giá trị quý báu và thiêng liêng của mình không chỉ đối với riêng dòng họ mà còn là đối với lịch sử, với thời thế; qua đó giúp cho hậu bối luôn có được kết nối vững chắc vô hình với các bậc tiền nhân.