12.05.2023
Dòng họ hiếu học và ý nghĩa đối với việc xây dựng đất nước
Cùng với tinh thần dân tộc to lớn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống hiếu học là thói quen ham thích, coi trọng việc học hành và được hình thành lâu dài, truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một dòng họ như thế mà chúng ta có khái niệm dòng họ hiếu học. Một dòng họ, hai dòng họ, và nhiều dòng họ hiếu học thì đất nước nhất định sẽ phát triển nhanh chóng, bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Dòng họ hiếu học

Truyền thống hiếu học của từng dòng họ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đã được hình thành từ rất lâu. Từ xa xưa, học tập và tiếp thu kiến thức đã được khuyến khích ở trong các điều khoản của “lệ làng, phép nước”. Bằng chứng là từ các thời đại bấy giờ đã có những chính sách tuyển chọn và thi cử như Thi Hương, Thi Hội và Thi Đình rất khắt khe với mục đích tìm ra người học rộng, tài cao để đưa vào các vị trí quan trọng trong triều đình. Hay hơn 200 năm trước đây, Lê Quý Đôn đã tổng kết về phát triển kinh tế - xã hội rằng: "Phi trí bất hùng, phi công bất phú, phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt", trong đó “phi trí bất hùng” có nghĩa là thiếu tri thức thì khó hưng vượng. Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh: "Nên thợ nên thầy nhờ có học, no ăn no mặc bởi hay làm", còn Chu Văn An đã từng khuyến cáo: "Ta chưa thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được". Nghĩa là từ xa xưa, các bậc hiền tài đã nhận ra được tầm quan trọng của việc học, và từ đó nhân dân ta tiếp thu được ý nghĩ tinh hoa đó, người người hiếu học tạo ra dòng họ hiếu học. Không khó để nhận ra, từ xưa đến nay, đất nước Việt Nam chúng ta đã có rất nhiều gia đình, dòng họ hiếu học, có nhiều đóng góp cho triều đình, xã hội, đất nước, ví dụ như gia đình, dòng họ danh nhân thế giới Nguyễn Trãi, hay gia thế của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm,...

Dù ở quá khứ hay hiện tại, người Việt Nam ta luôn cố gắng gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta bởi đây là truyền thống đáng tự hào. Tinh thần và tư thế sẵn sàng tiến lên phía trước để tiếp thu cái mới, cải tiến cái cũ đã chứng minh người Việt Nam chúng ta cầu tiến, ham học hỏi và luôn cố gắng mở rộng kiến thức của bản thân. Bằng chứng là chúng ta đã đạt được các giải thưởng lớn về học thuật, văn hóa, cùng với các phát minh, sáng chế và công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận và đánh giá cao, đơn cử là bộ Kit xét nghiệm COVID nhanh do Việt Nam sản xuất đã được WHO công nhận - đây được coi là thành quả đáng tự hào khi đất nước nhỏ bé chúng ta đã có những cống hiến tuyệt vời cho nền y học quốc tế và được nền y học quốc tế công nhận. Ngoài ra, Chảo Thị Yến (Bát Xát, Lào Cai) trải qua chặng đường dài đầy chông gai trước khi giành được học bổng đắt giá SUFONAMA kéo dài hai năm do nhóm 5 đại học tốt nhất châu u về lâm nghiệp và quản lý tài nguyên cấp. Là người dân tộc Dao, nơi người dân giữ nếp suy nghĩ không ủng hộ con gái học hành, nhưng Yến không chịu chấp nhận số phận, vươn lên phía trước để đạt được ước mơ học tập của mình (Theo Những tấm gương hiếu học vượt khó xưa và nay trong lịch sử Việt Nam).

Giống như hiệu ứng Domino, khi thế hệ trước tạo ra truyền thống hiếu học, thế hệ đời sau nhìn vào đó như một tấm gương sáng soi vào, lấy đó làm động lực, làm nguồn cảm hứng để cố gắng tiếp tục phát huy. Vì thế mà trong một dòng họ, truyền thống hiếu học được tiếp diễn lâu dài và dần trở thành một nét truyền thống của dòng họ. Quả thật, hiện nay, không ít dòng họ được vinh danh là dòng họ hiếu học. Họ Dương được công nhận là Dòng họ khoa bảng với tổng số 57 vị Tiến sĩ, Trạng nguyên (50 Văn, 7 Võ). Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với 82 văn bia thì 21 bia có tên người họ Dương. Hay nhờ duy trì được chính sách khuyến học và thường xuyên nhắc nhở con cháu noi gương tổ tiên về truyền thống “văn võ phát khoa”, tộc Trần ở Cảnh Vân (Bình Định) ngày càng có nhiều người đỗ đạt (Theo báo Thanh Niên). Thậm chí, không chỉ ở vùng xuôi, cả vùng dân tộc thiểu số của chúng ta cũng đã phát huy rất tốt truyền thống hiếu học. Ví dụ, dòng họ Xiêng Var (dân tộc Giẻ Triêng) ở xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) được biết đến bởi sự hiếu học với những con người biết vượt lên khó khăn, “neo” lấy con chữ để trở thành người có ích cho xã hội. (Theo báo Kontum). ảnh bài viết (Nguồn ảnh: Internet)

Ý nghĩa của việc hiếu học đối với việc xây dựng đất nước

Nhìn chung truyền thống hiếu học hay dòng họ hiếu học của dân tộc Việt Nam đã trải qua ngàn đời và điều tuyệt vời là nó vẫn giữ vẹn nguyên là một nét truyền thống quý báu. Quan trọng hơn cả, chính nét truyền thống và chính những dòng họ hiếu học này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển đất nước.

Tại sao lại nói hiếu học có vai trò và ý nghĩa trong việc xây dựng đất nước? Thứ nhất, hiếu học là một truyền thống lâu đời của nhân dân ta, việc tiếp thu, bảo tồn và phát huy truyền thống ấy là điều ắt phải làm đối với thế hệ đi sau, bởi tiếp nối truyền thống là minh chứng cho việc đất nước đang được duy trì và phát triển. Thứ hai, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia", tức nghĩa tri thức, học vấn là vấn đề cơ bản, cốt lõi, nền móng để xây dựng nên một cường quốc. Tri thức đòi hỏi phải được tích luỹ, trau dồi từng ngày, cũng đòi hỏi sự kiên trì từng ngày, do đó đòi hỏi con người ta phải hiếu học, ham học và thích học.

Nhìn chung ở Việt Nam, hiếu học và truyền thống hiếu học đang phát huy rất tốt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đại diện cho điều này, chúng ta có thể xem xét ví dụ: Cha đẻ phát minh ra máy ATM trong hệ thống ngân hàng là người Việt Nam, đó là ông Đỗ Đức Cường - tác giả của trên 50 phát minh sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Mỹ. Với sáng chế này, việc rút tiền trở nên nhanh chóng và dễ dàng với bất kỳ ai, trở thành một phát minh rất sáng giá và đáng tự hào. Hay Tiến sĩ Phạm Toàn Thắng đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ và nể phục khi sản xuất thành công tế bào gốc từ màng cuống rốn. Phương pháp tách tế bào da từ mang dây rốn giúp chữa lành các vết thương về da do bỏng, tiểu đường, loét do phóng xạ, thậm chí là chăm sóc sắc đẹp. Hiện nay, công nghệ này được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới (Theo Những phát minh làm rạng danh người Việt). Điều đó có nghĩa là truyền thống hiếu học của Việt Nam không chỉ lan tỏa và phát huy ở trong nước, giá trị của nó đã được bạn bè quốc tế công nhận. ảnh bài viết (Nguồn ảnh: Internet)

Tạm kết

Sinh thời Hồ Chủ Tịch đã từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, điều đó chứng tỏ hiếu học, truyền thống hiếu học hay dòng họ hiếu học là cái đích lâu dài, mục tiêu cốt lõi của việc phát triển đất nước. Sự học như chiếc thang không nấc chót và cũng như người đi trên con thuyền ngược dòng, chỉ có tiến lên phía trước mà không được phép dừng lại vì đứng lại đồng nghĩa với tụt hậu. Lênin cũng dạy rằng: “Học! Học nữa! Học mãi!”, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức hôm nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, kiến thức bùng nổ và tăng lên theo cấp số nhân thì việc rèn luyện kỹ năng học một cách chuyên nghiệp càng là một điều bắt buộc. Mong rằng với thế hệ sau, chúng ta hiểu được giá trị của việc học, và quan trọng hơn nữa, tiếp bước cha ông, xây dựng một dòng họ hiếu học đời đời vững mạnh.