04.05.2022
Giá trị của ban thờ gia tiên trong văn hoá tâm linh của người Việt
Ban thờ gia tiên - “nơi giá trị thiêng liêng được lưu giữ trong từng mái ấm Việt”. Trong từng mái ấm gia đình Việt, ban thờ gia tiên luôn có một vị trí rất quan trọng vì đây là nơi ngự trị của các bậc tiền nhân, những thành viên quá cố trong gia đình của chúng ta. Chính vì điều đó, ban thờ của mỗi gia đình luôn được đặt ở những vị trí quan trọng và cao nhất của căn nhà. Bên cạnh đó, ban thờ cũng lưu giữ những giá trị nhân văn tốt đẹp trong phong tục tập quán của mỗi người Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Đối với quan niệm của người Việt Nam, các bậc tiền nhân, tổ tiên luôn có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như trong tiềm thức của từng cá nhân. Người Việt chúng ta luôn tâm niệm rằng các bậc tiền nhân, tổ tiên dù không hiện hữu trước mặt chúng ta vẫn dõi theo phù hộ chúng ta ở một thế giới khác và là những thành viên không thể tách rời đối với cuộc sống. Người Việt xuất phát từ nhận thức “Vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Từ quan niệm đó hình thành nên niềm tin về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã khuất và những người còn sống có cùng chung huyết thống. Linh hồn của người đã khuất sẽ trở về để chứng kiến, theo dõi cuộc sống của con cháu.

Bên cạnh đó, hướng ban thờ trong từng gia đình cũng rất được người Việt quan tâm. Thông thường theo hướng nhà của những người theo đạo Phật, hướng Nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đặt bàn thờ hướng Tây vì quan niệm rằng hướng này là sự giao thoa giữa âm dương, nên yên ổn và phát triển, thần linh, tổ tiên được an tọa. Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó cũng đã có rất nhiều thay đổi, vậy nhưng những giá trị ý nghĩa nhất, cốt lõi nhất vẫn giữ nguyên.

Không những vậy, người Việt Nam vào những ngày lễ, tết và ngày rằm thường thắp hương, mời tổ tiên về, tham gia vào mọi sự kiện trong gia đình… trong những ngày giỗ, tết hay những ngày quan trọng của gia đình như cưới hỏi, thi cử, các gia đình thường thắp hương khấn lễ. Mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Không gian xung quanh nơi đặt bàn thờ cũng đồng thời là nơi để con cháu trong gia đình trò chuyện, chính vì vậy, nơi thờ tự cũng đồng thời là nơi gắn kết, kết nối tình cảm của tất cả mọi người trong gia đình.

Đối với tâm niệm của người Việt, những thành quả, những thành công mà chúng ta có được ngày hôm nay chính là nhờ công ơn của tổ tiên đã phù hộ độ trì, giúp chúng ta thuận buồm xuôi gió, dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, gian lao và thử thách. Người ta đều không quên thắp nén nhang lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên tiên tổ và bày tỏ lòng biết ơn đối với họ. Người ta tin rằng sự thành công của bản thân và gia đình có sự phù trợ của tổ tiên.

Tương tự, khi gặp rủi ro, bất hạnh, thất bại trong cuộc sống, người ta cũng thường cầu xin tổ tiên giúp đỡ, chở che cho tai qua, nạn khỏi. Ngày giỗ, ngày tết, tang ma, hiếu hỉ – bất cứ sự kiện gì của gia đình, tổ tiên đều được thỉnh mời tham dự. Khi nén nhang còn cháy, tổ tiên vẫn còn hiện diện trong căn nhà của cháu con. Vì thế, mọi cử chỉ, nói năng, thái độ, hành vi của các thành viên trong gia đình đều phải hết sức đúng mực. Có thể thấy, từ quan niệm “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” mà những di sản tư tưởng, tâm lý, tình cảm, đạo đức của các thế hệ tổ tiên được các thế hệ con cháu tiếp nối thực hiện và lưu truyền trong gia đình, dòng họ qua tục thờ cúng tổ tiên. ảnh bài viết

Ý nghĩa truyền thống của bát hương ban thờ gia tiên

Bát hương ban thờ thể hiện việc thờ cúng của gia đình Không phải ngẫu nhiên mà các nhà phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng nếu muốn biết một gia đình có ấm êm hay không, có đủ đầy hay không, có được che chở hay không thì chỉ việc quan sát ban thờ và bát hương của gia đình họ. Bởi điều này dựa trên các yếu tố về thực tế ban thờ mà đầy đủ, to đẹp có nhiều đồ dùng thì gia đình đó thường ổn định và ngược lại. Bát hương mà sạch sẽ, các tàn hương cuộn đẹp, vừa phải, bát hương đủ đầy thì gia đình rất ấm êm… Tất cả những điều này đều dựa trên một căn cứ tâm linh nhất định trong nhà ở. Việc chăm lo đến thờ cúng, bát hương của gia đình thể hiện sự quan tâm của gia chủ đối với ông bà, gia tiên.

Bát hương ban thờ - Đại diện văn hóa thờ cúng của người Việt Văn hóa thờ cúng của người Việt được thể hiện bằng việc chọn lựa, bố trí các vật dụng trên bàn thờ trong đó có bát hương. Nhìn thấy bát hương chúng ta hình dung đến một thế giới tâm linh có thể là trong gia đình, dòng họ, đền chùa… và là một nét đẹp của văn hóa người Việt. Bát hương trên ban thờ gia tiên luôn lưu giữ giá trị truyền thống của dân tộc, thể hiện truyền thống thờ tự quý báu, được truyền nối bao đời nay. Người Việt Nam vẫn luôn giữ được truyền thống hương hỏa trong gia đình. Đây chính là một tín ngưỡng lâu đời và trở thành một nền văn hóa tâm linh như một món ăn tinh thần của người dân Việt Nam. ảnh bài viết

Giá trị đạo đức trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên luôn có những giá trị đạo đức cao quý. Đối với quan niệm của người Việt Nam, chữ Hiếu luôn được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng cũng chính là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của các bậc con cháu đối với các bậc sinh thành, đối với tổ tông, bề trên, những người đã có công trong việc gây dựng và nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi trong gia đình. Bởi vậy người Việt Nam rất coi việc thờ phụng tổ tiên và luôn coi đó là một trong những nguyên tắc đạo đức cốt lõi làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành. ảnh bài viết Không những vậy, đối với tâm niệm của người Việt Nam, phải luôn khéo bảo nhau sống sao cho thật xứng đáng với kỳ vọng của tổ tiên, đặc biệt phải luôn nhớ và sống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Khi đó chúng ta sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tự hào kính báo với tổ tiên, không phải hổ thẹn với tổ tiên.

Từ xưa, người Việt Nam tôn trọng luân lý dựa trên căn bản đạo đức là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nhân dân ta đặc biệt coi trọng chữ đức. Đức còn có đức nhân (tức là giữ đạo làm người), đức nghĩa, và đặc biệt là đức lễ. Biết giữ lễ nghĩa là biết đối xử với người như người đối xử với mình, chịu ơn người phải biết nhớ ơn, được người giúp đỡ phải biết báo đền lại. Nhân dân ta từ xưa đã có cái nhìn rất biện chứng là trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm “linh hồn”, và “linh hồn” trở thành đầu mối của mọi tín ngưỡng. Việc thờ cúng, lập ban thờ tổ tiên để giữ lấy đức nghĩa của đạo làm người được các thế hệ người Việt Nam đặc biệt coi trọng.

Chính vì vậy, đối với người Việt Nam, giá trị ban thờ tiên trong gia đình luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiềm thức cũng như là giá trị nhân văn cao đẹp đối với người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thông qua ban thờ gia tiên trong từng gia đình Việt Nam đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng. Đặc biệt chữ Hiếu luôn được đặt lên cả, hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ và còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là "hiếu với dân, với nước”. Những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp đó sẽ mãi tồn tại vĩnh hằng cùng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam.