03.04.2023
Khám phá điều đặc biệt trong Tết Thanh Minh của các dân tộc Tày, Nùng
“Thanh minh trong tiết tháng Ba Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” (Truyện Kiều, Nguyễn Du) - Có lẽ ngày Tết Thanh Minh của người Kinh đã đi sâu vào tiềm thức mỗi chúng ta bằng những phong tục rất quen thuộc như thăm mộ, dọn dẹp cỏ dại, vệ sinh sạch sẽ khu vực mộ phần của tổ tiên, v.v.. Tuy nhiên, phong tục ăn Tết Thanh Minh đặc biệt của một số đồng bào dân tộc điển hình như Tày và Nùng vẫn còn là một điều mới mẻ đặc sắc đang chờ đợi được khám phá. Nhân dịp Tết Thanh Minh năm Quý Mão này, hãy cùng Việt Tộc đi tìm hiểu những điểm độc đáo và khác biệt trong phong tục Tết Thanh Minh của dân tộc Tày, Nùng qua bài viết dưới đây.

Những nghi lễ đặc biệt

Với đồng bào dân tộc Tày và Nùng, Tết Thanh Minh đôi khi được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, trong tiếng địa phương là “slan mạ” hay “slan phằn” . . Khác với người Kinh, Tết Thanh Minh của người Tày và Nùng được diễn ra vào mùng ba tháng ba âm lịch thay vì thường bắt đầu từ ngày 4 tháng 4 cho đến khoảng ngày 21 tháng 4 (trong thời gian của tiết khí này trong năm) như phong tục của người Kinh. Những nghi thức của đồng bào nơi đây trong ngày Tết Thanh Minh cũng rất phong phú, bao gồm: tảo mộ, tiễn biệt và cúng thần để tri ân tổ tiên, cầu nguyện cho sự bình yên và an lành cho cuộc sống. Trong khi đó, với người Kinh, ngày Tết Thanh Minh thường gói gọn trong tục tảo mộ, tưởng nhớ người công ơn và báo hiếu với người đã khuất và là dịp quan trọng để sum họp gia đình.

Đầu tiên, nghi lễ tảo mộ của người Tày, Nùng mang đậm dấu ấn của sự tôn kính và tri ân đối với tổ tiên. Những người thân sẽ dọn dẹp, trưng bày những món quà, thức ăn yêu thích của người đã khuất, để bày tỏ tình cảm và sự tưởng nhớ đến họ. Những món quà này phải được chuẩn bị cẩn thận, theo đúng tâm linh và truyền thống của dân tộc. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngoài mộ của bà con thường có thịt gà, thịt lợn, hương hoa, quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu và thứ bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn như bánh lá gai, bánh lá ngải, bánh củ chuối, bánh trứng kiến. Hơn nữa trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng không có bánh trôi, bánh chay như người Kinh mà thay vào đó là “khẩu nua đăm đeng” (nghĩa là xôi nếp đỏ, đen) hoặc xôi ngũ sắc (xanh, đỏ, trắng, vàng, đen), bánh ngải, bánh dày ngũ sắc. Những ngôi mộ của người Tày, Nùng sẽ được trang trí với những cây nêu treo dải băng bằng giấy màu được cắt tỉa cầu kỳ.

ảnh bài viết Nguồn: Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng

Tiếp đến mọi người thực hiện nghi lễ tiễn biệt để đánh dấu sự chia tay với những người đã khuất. Nghi thức được thực hiện với niềm tin có thể đưa linh hồn của người đã khuất vào cõi vĩnh hằng một cách an lành và bình yên, họ cùng đốt những tràng pháo và cầu nguyện. Cuối cùng là nghi lễ cúng thần, là dịp để các đồng bào dân tộc Tày, Nùng bày tỏ lòng tôn kính tới các vị thần linh nhằm nhận được sự bảo trợ và hộ vệ trong cuộc sống. Các nghi lễ này được tổ chức tại nhà thờ thần, đền, chùa, hoặc những nơi linh thiêng khác. ảnh bài viết Nguồn: Đời sống Việt Nam

Điểm đặc biệt trong Tết Thanh Minh Tày, Nùng là toàn bộ các thành viên trong gia đình cùng tham gia vào những nghi thức. Những người trẻ tuổi sẽ cùng nhau làm sạch khu vực tảo mộ, chăm sóc cho những bông hoa đang nở rực rỡ. Người già sẽ ngồi và kể lại những câu chuyện về người thân đã khuất, những kỷ niệm buồn vui trong quá khứ. Họ cùng nhau tạo nên một không khi vừa trang trọng linh thiêng, nhưng cũng vừa yên bình gần gũi, đậm bản sắc dân tộc. Qua những hoạt động này, tình cảm gia đình và dòng họ trong cộng đồng các đồng bào dân tộc được khơi gợi lên mạnh mẽ và mối quan hệ gắn bó của họ được củng cố hơn nữa.

Những ý nghĩa đặc biệt

Hơn cả một ngày lễ thông thường, Tết Thanh Minh đã trở thành một di sản văn hoá đặc trưng của người Tày và Nùng không chỉ bởi những ý nghĩa đặc biệt của nó đối với cộng đồng hai dân tộc này mà còn bởi cách mà những đồng bào nơi đây thực hiện những phong tục và nghi lễ trong ngày này. Trong đó, nghi lễ tảo mộ, tiễn biệt và cúng thần không chỉ mang hơi thở tâm linh mà còn là một nét đẹp nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng. Đây là những nghi lễ đã được truyền lại từ đời này sang đời khác, mang trong mình giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tết Thanh Minh là một dịp để mỗi người dân nơi đây báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên nhắc nhở mọi người nhớ về quê hương nguồn cội.

Không dừng lại ở đó, Tết Thanh Minh còn là thời điểm quan trọng giúp các thành viên trong cộng đồng đoàn kết với nhau hơn. Trong những ngày lễ này, các dân tộc Tày, Nùng thường có những hoạt động vui chơi, giải trí như đá cầu, bắn cung, chọi gà cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Các thành viên trong cộng đồng cùng tham gia và tận hưởng những khoảnh khắc vui tươi, thăng hoa trong không khí đoàn viên. Ngoài ra, Tết Thanh Minh còn là dịp để các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Chính những hoạt động vui chơi, trò chuyện với những người lớn tuổi sẽ giúp cho các em nhỏ hiểu được ý nghĩa của việc tôn trọng tổ tiên, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống đặc trưng của dân tộc. ảnh bài viết Nguồn: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

Có thể thấy, Tết Thanh Minh còn là dịp để cùng nhau xây dựng nền văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên một cộng đồng văn minh, hiểu biết và thân thiện hơn. Những phong tục giống và khác nhau giữa các dân tộc trong Tết Thanh Minh là minh chứng cho một Việt Nam rất đa dạng về dân tộc, phong phú và dày dặn về văn hóa. Nhìn vào những đặc trưng của Tết Thanh Minh của các dân tộc Tày, Nùng, ta có thể nhận thấy sự đa dạng đó. Từ việc cùng theo đuổi một niềm tin và đạo lý về việc biết ơn và hướng về tổ tiên, nguồn cội nhưng qua sự vận động lâu dài của xã hội đất nước, các dân tộc đã có cho mình những phong tục và truyền thống đón Tết Thanh Minh tuy đa dạng về cách thức thực hiện nhưng đều thể hiện được cái cốt lõi của văn hóa Việt là hướng về nguồn cội..

Tạm kết

Những giá trị văn hóa, truyền thống và cụ thể là phong tục ăn Tết Thanh Minh của các dân tộc Tày, Nùng đã tồn tại hàng trăm năm qua là những nét đẹp mang tính cộng đồng cao, giúp tạo nên sự đoàn kết, tình yêu thương giữa con người trong cộng đồng nơi đây và với tổ tiên của họ. Những truyền thống này còn góp phần định vị bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng trong sự đa dạng các dân tộc tại Việt Nam. Hy vọng rằng, các nghi lễ của Tết Thanh Minh sẽ được duy trì và phát triển, giữ cho nét đẹp văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng luôn lưu truyền lại cho các thế hệ sau, mãi giữ vị thế là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú. Nhân dịp mùa Tết Thanh Minh, Việt Tộc xin chúc cho toàn thể các dòng họ, thuộc bất cứ dân tộc nào tại Việt Nam, sẽ có một ngày lễ ý nghĩa, hạnh phúc bên nhau. Chúc cho những giá trị truyền thống mãi được lưu truyền và tình cảm đoàn kết giữa các thành viên trong các dòng họ luôn bền chặt.