03.11.2022
Mô hình “Dòng họ tự quản”
“Dòng họ tự quản” - một mô hình không còn lạ lẫm với chúng ta hiện nay, đang thực hiện tốt vai trò của mình trong việc vận động những thành viên dòng họ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là mô hình chủ yếu sẽ do trưởng họ hoặc những bậc cao niên uy tín trong họ quản lý và dẫn dắt các thế hệ sau. Song song đó, để đền đáp sự quan tâm của thế hệ đi trước, hiện nay, người trẻ - những thế hệ sau, cũng đang dần thể hiện trách nhiệm của mình, phát huy thế mạnh là sức trẻ, tư duy đổi mới,... để phát triển dòng họ.

Dòng họ tự quản

Thế nào là mô hình “Dòng họ tự quản”?

Quan tâm, đề cao công tác quản lý, giáo dục con cháu tránh xa tệ nạn xã hội, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định địa phương, trưởng các dòng họ hợp tác rất tốt với chính quyền để nghiêm túc xây dựng mô hình “dòng họ tự quản”. Các dòng họ thực hiện họp họ trung bình 1 lần/tháng; mỗi hộ bắt buộc phải có thành viên tham gia. Trong buổi họp, trưởng dòng họ thông báo công việc chung của địa phương, nhất là tình hình an ninh trật tự xóm làng địa phương; rút kinh nghiệm, nhắc nhở các gia đình chưa chấp hành các quy định được đưa ra. Trong những buổi họp họ, các bậc cao niên, người có vai vế trong họ thường xuyên trao đổi nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện con em có biểu hiện sai trái với đạo đức và pháp luật để uốn nắn. Với thế hệ ông bà, cha mẹ, họ phải gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào do địa phương, các cấp, các ngành phát động để làm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong cuộc sống ( mâu thuẫn trong và ngoài gia đình, trong và ngoài dòng họ, giữa thế hệ trên và thế sau,..) được hòa giải có lý, có tình, làm sao xây dựng được khối đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới. ảnh bài viết ( Ảnh minh hoạ: "Họp dòng họ", nguồn Báo Thanh Hoá)

Tại sao lại có mô hình này?

Thứ nhất, mỗi gia đình, dòng họ là tế bào của xã hội, vì vậy gia đình, dòng họ có tốt thì xã hội mới đủ điều kiện phát triển và đi lên. Đây là một cách thức thể hiện trách nhiệm, ý thức, đóng góp của mỗi dòng họ đối với xã hội và địa phương. Theo đó, các cấp chính quyền địa phương cũng được giảm bớt áp lực, thay vì quản lý nhiều hộ gia đình, giờ đây họ chỉ cần quản lý dòng họ, giúp tiết kiệm thời gian, sức lực và ngân sách của nhà nước. Nhìn chung, sự phát triển của địa phương là sự hưng thịnh của các dòng họ, gia đình và ngược lại. Khi có được sự đồng hành, ủng hộ của người có uy tín trong dòng họ, việc triển khai các nội dung của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh và bảo đảm trật tự ở địa phương cũng có nhiều lợi thế hơn.

Thứ hai, mô hình này giúp gắn kết các thành viên trong dòng họ với nhau. Mỗi cá nhân (từ già đến trẻ, từ người có chức sắc đến con cháu trong dòng họ) phải có trách nhiệm với bản thân họ và với người khác. Thế hệ trước không những là tấm gương tốt (luôn trau dồi phẩm chất, đạo đức, thực hiện tốt các quy định, phong trào của địa phương) mà còn phải uốn nắn, chỉ đường, giúp đỡ những thế hệ sau phát triển, không đi vào con đường, tư tưởng, hành động lệch lạc sai trái. Mối quan hệ hai chiều như thế chính là biểu hiện của một dòng họ văn minh, phát triển và lớn mạnh.

Mô hình này đạt được những thành tựu gì?

Huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá - một địa phương thực hiện rất tốt mô hình “dòng họ tự quản” đã đạt đến con số gần 75 hộ dân trong dòng họ phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền 5 năm qua. Thông qua đó, hàng năm dòng họ đã cung cấp cho lực lượng công an hơn 100 nguồn tin có giá trị về an ninh trật tự. Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến an ninh và mâu thuẫn nội bộ cơ bản đã được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” và các mâu thuẫn kéo dài, góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, giữ vững ổn định về trật tự an ninh trên địa bàn huyện. Ngoài ra nhờ những chỉ bảo, dẫn dắt, uốn nắn khuyên nhủ của những thế hệ đi trước mà nhiều con em của dòng họ đã biết và nhận ra lẽ đúng sai, chăm lo học tập tốt, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, nhiều vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện cũng được giải quyết tốt ngay từ cơ sở.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá

Người trẻ phát huy thế mạnh, dẫn dắt dòng họ

Với mô hình tự quản, các bậc trưởng bối đã làm tròn vai và trách nhiệm của mình trong việc dìu dắt thế hệ trẻ. Ngược lại, thế hệ trẻ cũng đang dần phát huy thế mạnh của mình vào việc dẫn dắt, phát triển dòng họ. Trong việc họ, tuy các bậc trưởng bối giữ đa phần trong những quyết định quan trọng như lễ bái, giỗ chạp, tu sửa bàn thờ, mộ mạc,.. nhưng vì lý do sức khoẻ mà việc thực hiện lại do người trẻ tiến hành. Lúc này người trẻ phát huy hết thế mạnh của mình: sức trẻ, trí tuệ, tư duy mới,... để giúp đỡ dòng họ. Người trẻ không ngần ngại khó khăn ( bởi đối với những người trẻ hiện đại, việc họ, việc nhà vẫn là chút gì đó hơi hướng truyền thống, mang tính đặc trưng khó thích ứng); ngược lại họ còn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, góp phần làm vang danh dòng họ cho các dòng họ. Ví dụ về vấn đề ban thờ, mộ mạc cho ông bà tổ tiên, người trẻ cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, tu sửa nơi yên nghỉ cho ông bà, cụ kỵ. Nhiều phần mộ được xây dựng rất quy mô, đẹp và hoành tráng, thể hiện sự hiếu thảo, nhớ ơn đời trước của thế hệ trẻ. Hay từ đường - bộ mặt của dòng họ, cũng được trang trí rất công phu, giúp dòng họ phần nào “ nở mày nở mặt” với các dòng họ khác.

Trong tương lai, người trẻ chính là truyền nhân của dòng họ, là người tiếp bước cha ông gìn giữ, phát huy truyền thống, gia phong sắc tộc của dòng họ. Chính vì thế, việc dẫn dắt dòng họ cũng là điều hiển nhiên và nên làm Tuy nhiên cũng có một bộ phận giới trẻ chưa có ý thức được trách nhiệm của mình, vẫn coi nhẹ việc họ vì họ nghĩ rằng “không đến phận sự con cháu mình”. Việc các dòng họ nên suy nghĩ là làm sao giáo dục, cũng như truyền lửa, truyền nhiệt huyết đam mê của việc họ đến với giới trẻ để giới trẻ cảm nhận và tiếp thu. ảnh bài viết (Ảnh minh hoạ: Thế hệ trẻ chăm lo, góp phần tu sửa, xây dựng phần mộ tổ tiên cho ông bà, nguồn "Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ")

Dòng họ tự quản, người trẻ phát huy thế mạnh, dẫn dắt dòng họ - mối quan hệ hai chiều gắn bó khăng khít.

Sự tác động qua lại giữa dòng họ và giới trẻ, giới trẻ và dòng họ là cơ sở tiền đề để dòng họ đó lớn mạnh và phát triển. Với mô hình “dòng họ tự quản”, trưởng bối đã ý thức được việc quản lý dòng họ của mình cũng như quan tâm, sát sao hơn với giới trẻ, con em mình. Việc quản lý ấy sẽ uốn nắn dần và kịp thời các thành viên trong dòng họ nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Đây cũng thể hiện trách nhiệm quan tâm, để ý đến những người nối dõi của mình, sâu xa hơn là giúp giữ vững, bảo tồn sức mạnh của dòng họ. Ngược lại, người trẻ cũng cảm nhận và thấy được rõ vai trò, trách nhiệm lớn lao của mình trong việc đền đáp công ơn dưỡng dục của người đi trước, họ tham gia nhiều hơn vào việc họ và phát huy tối đa khả năng của mình. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình, tuy chưa thể ra tay quyết định hết những việc trọng đại, nhưng góp phần tham gia cũng đã là sự cố gắng hết sức mình.

Nhìn chung, mô hình “Dòng họ tự quản” và việc người trẻ phát huy thế mạnh, dẫn dắt dòng họ vừa mang tư tưởng chủ động trong xây dựng dòng họ lớn mạnh, vừa mang tư tưởng chủ động đóng góp vào lối sống văn minh, lành mạnh của thôn xóm, làng xã, đây là điểm tốt mà mỗi cá nhân,gia đình và dòng họ cần phát huy! ảnh bài viết ( Ảnh minh hoạ "Sự tác động qua lại giữa dòng họ và giới trẻ, giới trẻ và dòng họ là cơ sở tiền đề để dòng họ đó lớn mạnh và phát triển", nguồn "Gia đình")