14.06.2022
Những điều cần lưu ý khi lập gia phả
Bất cứ một dòng tộc nào cũng đều mong muốn sở hữu một cuốn gia phả, hay một phả đồ để không chỉ nối liền các đời trong dòng họ mà còn giúp hậu duệ đời sau có thể nắm rõ tổ tông để cẩn thận trong việc thờ phụng và làm tròn bổn phận của mình đối các bậc gia tiên đã khuất cũng như họ hàng đang sinh sống. Để làm được một cuốn gia phả mang lại giá trị cao và ý nghĩa như thế, Gia phả cần phải trình bày một cách trang trọng, văn phong viết theo lối truyền thống, chữ đi in phải rõ ràng, đẹp đẽ, giấy sử dụng loại tốt, khung hoặc bìa chắc chắn và thông tin được thể hiện đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy.

Cuốn gia phả

Về hình thức và nội dung

Bởi gia phả là tài sản quan trọng và quý báu của mọi dòng họ lưu giữ rất nhiều thế hệ nên cần được trình bày trang trọng, văn phong truyền thống, chữ in rõ ràng, đẹp đẽ, giấy tốt, bìa chắc chắn. Nội dung của gia phả cần phải thể hiện đầy đủ các mục cần thiết từ “Lời nói đầu” đến các mục ghi cụ thể từng người theo từng đời riêng biệt. Ý nghĩa, mục đích hay đôi khi là yêu cầu của việc biên tập hoặc tu chỉnh bổ sung gia phả cần được nêu rõ trong phần “Lời nói đầu”. ảnh bài viết Đối với việc ghi lại thành viên của dòng họ trong từng đời, con trai cũng như con gái cần được ghi theo thứ tự anh chị trước, em sau mà không được linh động đặc cách cho một đời nào, thống nhất từ đời đầu tới đời gần nhất. Một số gia phả chọn cách ghi trai trước, gái sau sẽ gây khó khăn cho các đời sau khi phục dựng hay tìm hiểu lại thông tin về tổ tiên vì không nắm rõ ai là anh, là chị. Chung quy lại, Gia phả là để cho toàn thể con cháu trong họ biết nên nội dung cần phải có tính trung thực và khách quan, cũng không nên thêu dệt, đề cao họ tộc mình quá mức làm sai lệch lịch sử của dòng họ, xóm làng đều thấy không khâm phục. Ngoài ra, gia phả của dòng tộc chỉ nên ghi trong khoảng từ 15 đến 20 đời là tối đa, không nên đi sâu vào dĩ vãng xa xôi mà gặp nhiều khó khăn trong việc chắp nối thông tin. Trừ một số họ tộc đã có sẵn quyển gia phả cũ ghi lại thông tin của nhiều đời trước rồi thì có thể dựa vào đó làm nối tiếp. Nếu không, hội đồng gia tộc nên bàn bạc để thống nhất chọn một vị thủy tổ có công với họ tộc để làm mốc đời thứ nhất trong gia phả rồi ghi xuống các đời tiếp theo sau thì cũng tạo được một quyển gia phả có giá trị.

Cách ghi trong gia phả

Mọi thành viên của dòng họ khi được ghi thông tin vào gia phả đều phải có “Họ và tên”, “Ngày tháng năm sinh”, “Năm mất” (ghi theo Âm lịch - nếu đã tạ thế), “Nơi an nghỉ/Nơi an táng”. Nếu con trai đã lấy vợ thì ghi họ tên, ngày tháng năm sinh của vợ, quê quán ở đâu và sinh được mấy người con. Tương tự thế, các con của người đó cũng sẽ cần ghi lại đầy đủ thông tin như bố, mẹ. Nếu là con gái của dòng họ thì cũng ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, năm mất (nếu đã tạ thế), gả đi lấy chồng là ai, quê quán ở đâu, con cái là những ai, tên là gì là đủ, không ghi chú các đời sau đó nữa. Lưu ý rằng, việc ghi thứ tự tên con cháu phải theo quy tắc của dòng họ từ xa xưa, nghĩa là con thì mang họ cha và các con của bà vợ cả phải ghi trước các con của bà vợ sau, không kể lớn tuổi hay nhỏ tuổi. Khi xưa, một ông có thể có nhiều hơn một vợ nên phải ghi rõ con với bà nào để con cháu về sau không chỉ nắm rõ được các mối quan hệ mà còn thuận lợi cho việc lập một gia phả điện tử khi cần.

Cuối cùng, có một phần ghi chú để ghi lại thành tích của những người con của dòng họ có học hàm - học vị cao (như kỹ sư, bác sĩ, ThS,TS, PGS, GS…) hay là nghệ nhân, người có tài năng trong sự nghiệp của mình hoặc một số con cháu học giỏi đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế. Điều này sẽ khích lệ động viên các thế hệ nối tiếp sau thêm tự hào và noi gương theo truyền thống của dòng họ.

Phần sơ đồ

Sau khi ghi lại cụ thể và chi tiết từng nhân sự của dòng họ, nên lập một sơ đồ gia phả, hoặc cây gia phả thể hiện mối quan hệ tổng quan giữa các đời của dòng họ. Phần sơ đồ gia phả hay cây gia phả khi xưa ghi tên đàn ông, không ghi tên phụ nữ, tuy nhiên tới ngày nay nhiều gia tộc cũng chọn cách thể hiện đầy đủ cả thành viên nam và nữ. Phần này miễn sao làm cho khoa học, tạo lập cho dễ xem và dễ hình dung được mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ là được.

Phần phụ lục

Phần này có thể đưa ra những tài liệu, văn tự chữ Hán (hoặc chữ Nôm) có liên quan tới dòng họ còn lưu giữ lại được tới ngày nay để bà con họ hàng trong họ được biết và tham khảo. Cuốn gia phả thể hiện rất rõ tình cảm khăng khít, thuận hòa của đại gia tộc bởi các thành viên trong dòng họ dù ở gần hay xa cũng đều có quan hệ gắn bó, máu mủ với nhau. Do đó, gia phả không chỉ đơn thuần là cuốn sổ ghi chép lại thông tin về thành viên dòng họ, mà còn là nơi lưu giữ những tư liệu quý báu để người xem nhìn vào thấy yên lòng, tự hào; thế hệ sau nhìn vào thấy trân trọng, cần được phát huy.

Cây gia phả

Tương tự như cuốn gia phả, khi lập cây gia phả chúng ta cũng phải chú ý đến hình thức, cách trình bày, cũng như nội dung được thể hiện ở từng phần. Tuy nhiên, cây gia phả sẽ không có (hoặc ít có) những phần liên quan đến “Phần nói đầu”, “Phần phụ lục”, mà chỉ tập trung vào hình thức trình bày sao cho khoa học, dễ nhìn và dễ hiểu. Trên cây gia phả cần có các thông tin về “Tên họ tộc/Tên chi họ”, “Nhành/Ngãnh” mà cây đang thể hiện, “Địa chỉ dòng họ”, các chú thích hay lý giải về các ký hiệu, màu sắc trên cây. Ở một số cây gia phả có thêm một phần giới thiệu hoặc giải thích ngắn gọn về bối cảnh ra đời và thời gian cập nhật Cây gia phả. Về cách trình bày, thông thường có 3 cách để thể hiện cây gia phả: viết theo chiều ngang, viết theo chiều dọc và viết kết hợp ngang dọc, mỗi cách đều có ưu, nhược riêng. Tuỳ vào số lượng nhiều hay ít, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia tộc có phức tạp hơn, mỗi dòng họ sẽ chọn cho mình cách trình bày Gia phả phù hợp. ảnh bài viết

Việt Tộc được ứng dụng như thế nào trong việc lập Cây gia phả

Hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tạo lập Gia phả, tính năng “Cây gia phả” của ứng dụng Việt Tộc ra đời với mục đích đưa Gia phả đến gần hơn thế giới công nghệ 4.0, góp phần bảo tồn và lưu trữ một nét văn hóa truyền thống quan trọng của người Việt dễ dàng và bền vững hơn. Việt Tộc hỗ trợ người sử dụng tạo cây gia phả trên cả điện thoại thông minh và máy tính cá nhân mà không làm mất đi tính truyền thống và trang trọng của gia phả truyền thống. Về hình thức, Việt Tộc giúp tạo Gia phả theo sơ đồ cây, giúp người xem hình dung rõ được tổ tiên và họ hàng các thế hệ nào một cách trực quan nhất. Mỗi thành viên của dòng họ khi được thêm vào Cây gia phả trên Việt Tộc sẽ bao gồm rất đầy đủ thông tin từ tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ, thông tin liên lạc đến các thông tin về sự nghiệp, thành tích. Phần này có thể hiểu tương đương với phần “Ghi chú” trong Gia phả nhưng không bị giới hạn như ghi lại trên giấy truyền thống. Trong khi Cuốn gia phả có phần “Phụ lục” thì Việt Tộc có chức năng “Lịch sử dòng họ” là không gian để lưu trữ các thông tin liên quan đến dòng họ để bất cứ con cháu nào trong họ tộc sau khi cài và sử dụng ứng dụng đều có thể tham khảo mọi lúc mọi nơi. ảnh bài viết

Tạm kết

Tạo lập gia phả dòng họ trong những năm gần đây đang trở nên khá phổ biến. Hầu như họ tộc nào cũng đều quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thực tế, nhân sự và tư liệu lưu trữ về dòng họ mình mà việc tạo lập gia phả được tiến hành một cách thuận lợi hay không.Việc trình bày một cuốn gia phả là rất quan trọng bởi nó thể hiện sự tôn nghiêm của một dòng họ và sự trân trọng, hiếu kính của các con cháu đời sau. Vì thế rất cần lưu ý những khâu về hình thức và nội dung để tránh những sai sót không cần thiết và tạo ra được một Cây gia phả đầy đủ, chính xác và lưu giữ được dài lâu.