18.04.2022
“Văn hóa dòng họ” - phương thức giáo dục truyền thống đặc sắc
"Một giọt máu đào hơn ao nước lã" - Câu tục ngữ này đã phần nào phản ánh truyền thống của đất nước, con người Việt Nam, luôn đề cao các giá trị quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Từ thời vua Hùng dựng nước, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các dòng họ Việt Nam đều cố gắng giữ gìn, bảo tồn một truyền thống tốt đẹp, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu thương luôn hướng về cội nguồn dân tộc, một lòng thờ cúng tổ tiên.

Thể hiện giá trị văn hóa vật chất phong phú của người Việt

Từ đường, gia phả, thờ cúng tổ tiên từ lâu đã đi vào tâm trí người Việt như những giá trị văn hoá vật chất đặc sắc. Từ đường là một công trình chuyên dụng dành riêng cho mục đích thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ. Trên nguyên tắc của triết thuyết âm dương ngũ hành - một trong những học thuyết được hình thành ở nền văn hóa Nam Á, từ đường của mỗi dòng họ đến nay vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa của kiến trúc Việt cổ. Phần nhiều nhà từ đường được xây bằng gạch, theo lối kiến trúc đình miếu; chạm trổ ở nóc, góc mái hình lưỡi đao; phía trước có sân gạch, hàng rào, cổng ngõ; phía sau có công trình phụ và vườn tược. Từ đường của nhiều dòng họ còn có bảo vật như đại tự, câu đối, sắc phong, bài vị, tượng thờ, tế khí, nội thất thường là đồ trạm trổ kì khu, sơn son thếp vàng rực rỡ. Từ đường là chốn tâm linh của họ tộc mà ở đó, dòng họ thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh khác của họ tộc. Hiện nay đã có nhiều nhà thờ họ cấp quốc gia được xây dựng như: Nhà thờ họ Đỗ Việt Nam được xây dựng cạnh khu mộ Tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), nhà thờ họ Trương Việt Nam được xây dựng tại thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình, nhà thờ họ Dương Việt Nam được xây dựng tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội, nhà thờ họ Hồ Việt Nam ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. ảnh bài viết Nhà thờ họ Trương Việt Nam (Nguồn ảnh: Facebook Fanpage Cộng đồng họ Trương Việt Nam) Gia phả là cuốn sổ ghi chép trước sau họ tên chức tước, ngày tháng năm sinh của tổ tông và người trong nhà mà từ đường nào cũng phải có. Nó được coi là di sản văn hoá quý giá, không chỉ để dòng họ tìm về gỗ rễ tổ tiên, chắp nối cội nguồn; mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố gia phong nề nếp, giáo dục cho con cháu sau này. Nhìn vào gia phả, con cháu sẽ biết gốc gác mình ở đâu, họ hàng là ai, tổ tiên công đức ra sao, bởi trong gia phả thường chứa đựng lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, những điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau để bảo vệ truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc hôm nay và mai sau. ảnh bài viết Một mẫu gia phả phổ biến tại Việt Nam (Nguồn ảnh: HoaTieu.vn)

“ Con người có tổ có tông Như cây có cội như sông có nguồn” Gia phả như báu vật trong dòng tộc mà bất cứ người con nào, thành viên nào cũng phải gìn giữ, nâng niu và bảo tồn. Ngoài trách nhiệm đó, mỗi thành viên trong dòng tộc cũng phải bổ sung và duy trì sự liên tục của gia phả dòng họ. ảnh bài viết Tính năng "Cây gia phả" được đội ngũ phát triển Việt Tộc nghiên cứu và xây dựng trên nền tảng di động

Bên cạnh đó, thờ cúng tổ tiên cũng là điều thiêng liêng mà mỗi dòng tộc đặt vấn đề lên hàng đầu. Trong tâm trí người Việt, chết không phải là kết thúc một kiếp người, nó chỉ là quá trình chuyển sự sống từ thế giới này sang thế giới khác. Vì vậy, người đã khuất phải được hương khói, cúng bái một cách đầy đủ, toàn diện. Nhất là tổ tiên của mình, việc thờ cúng còn quan trọng và tâm linh hơn nữa bởi đây là hành động báo hiếu, ghi nhớ công lao của người đi trước. Ngoài ra, người Việt còn có niềm tin mãnh liệt vào siêu linh của những người đã khuất. Đối với họ, sự hưng thịnh của một gia đình, dòng tộc là nhờ ơn phúc tổ tiên, do đó, con cháu muốn khai tâm, phát phúc, đời đời hưng thịnh, kiếp kiếp an hưởng phú quý vinh hoa thì phần mộ tổ tiên phải được chăm sóc chu đáo, bình yên. Ngược lại, nếu phần mộ bị “động”, con cháu sẽ lụi bại, khó khăn, gia cảnh khốn khó tiêu vong. Quan niệm này từ xưa đến nay vẫn không thay đổi, cũng bởi thế mà việc thờ cúng tổ tiên vẫn được duy trì, bảo tồn và phát triển. Việc thờ cúng tổ tiên cũng thể hiện sự hiếu kính, “uống nước nhớ nguồn” của con cháu đối với bề trên. Ở Việt Nam, chúng ta có ngày giỗ tổ để nhớ ơn các vị vua Hùng là ngày lê của cả dân tộc, điều này đã cho thấy đối với mỗi người Việt Nam, thờ cúng, nhớ ơn tổ tiên là một điều rất trân quý và thiêng liêng.Hình thức thờ cúng tổ tiên chính là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình.

ảnh bài viếtThể hiện giá trị văn hóa tinh thần riêng biệt của người Việt

Ngoài giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần cũng trải qua bao năm hình thành và phát triển, đến nay đã tạo được nhiều nét độc đáo, giá trị. Mối quan hệ gia đình dòng họ được đề cao lên trên hết. Người xưa có câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã” là vì vậy, nó thể hiện thái độ, suy nghĩ người Việt luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở nội tộc: “ Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”. Chính vì thế ý thức tìm về tổ quán của các dòng tộc của con người là rất lớn, và từ đó mỗi dòng họ lại hình thành một truyền thống riêng biệt. Dù bất cứ ở đâu, vào thời gian nào, văn hoá tinh thần tiêu biểu của mỗi người con Việt Nam là tìm về nguồn cội. Ý thức này sâu sắc đến nỗi, nó đã ngấm sâu vào tâm chí, máu thịt người Việt. Nó được thể hiện thông qua việc thờ cúng tổ tiên. Mỗi dịp giỗ chạp, ma chay, lễ Tết, con cháu tuy ở xa nhưng cũng cố gắng trở về với gia tiên, dòng họ, làm một mâm cúng đầy lòng thành dâng lên tổ tiên, các cụ. Trong ngày này, con cháu của các chi, phái, ngành, nhánh, cành….nếu không tề tựu được đông đủ thì nhất thiết phải cắt cử nhân đinh về dự lễ tại từ đường, thắp nén tâm nhang, một lòng hướng về tổ quán. Vậy lý do nào ý thức tìm về tổ quán của người Việt lại luôn thường trực và sâu sắc đến vậy? Đó là do người Việt đề cao chữ “Tâm”, chữ “Đức” và chữ “Tình”. Như vậy, người Việt thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trước hết là thờ cúng tổ tiên dòng tộc, không chỉ bằng niềm tin tín ngưỡng mà còn thực hiện bởi đạo lý làm người – một đạo lý mang đậm màu sắc nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền.

Một dạng thức tổ chức văn hoá quy củ, nền nếp

Dòng họ là một tổ chức cộng đồng đặc biệt, có nhiều đặc điểm riêng biệt, hình thức tổ chức mà điển hình nhất là nguyên tắc phụ quyền và vận hành theo phương thức tự trị. Theo nguyên tắc phụ quyền, người đàn ông giữ vai trò vị trí quan trọng và được đề cao trên các phương diện kinh tế, tín ngưỡng, tổ chức dòng tộc. Vai trò trưởng tộc phải do nam nhân giữ chức vụ, và cũng chỉ có nam nhân mới được hưởng đặc ân kế thừa bất động sản gồm từ đường, ruộng vườn của dòng tộc. Đây cũng chính là nguyên tắc thừa kế tài sản của gia đình: bố mẹ sau khi mất thì phần lớn do con trai nắm giữ, bởi con trai chịu trách nhiệm chính trong việc hương khói tổ tiên nên được hưởng phần hương hoả nhiều hơn. Về phần con gái, họ ít được tham gia vào việc của dòng tộc, ít được nhận phần phúc lợi của dòng tộc vì người con gái một khi đã “xuất giá tòng phu” thì coi như người ngoài họ theo quan niệm dân gian “Nữ nhân ngoại tộc” Nhìn chung, chính vì nguyên tắc phụ quyền này mà các dòng họ Việt Nam có xu hướng nghiêng về phía họ nội nhiều hơn. Đặc điểm nổi bật thứ hai của dòng họ là nguyên tắc tự trị. Tự trị ở đây là các dòng họ tự thiết lập cho mình một bộ máy tổ chức với cơ chế quản lý và phương thức vận hành riêng. Bộ máy tổ chức này được gọi là Hội đồng gia tộc. Đứng đầu dòng tộc sẽ là tộc trưởng. Tiếp đó sẽ là trưởng chi, trưởng phái, trưởng ngành, trưởng nhánh, trưởng cành…Các vị trưởng này buộc phải là nam nhân và là con trưởng của phân cấp mà mình đảm trách. Nhiệm vụ của Hội đồng gia tộc là tự quản lý tông tộc mình trên các phương diện: tự giải quyết mâu thuẫn để giữ gìn hoà khí trong nội tộc; đề xuất phương thức xây dựng và phát triển dòng tộc; tổ chức các sinh hoạt phong tục: quan, hôn, tang, tế…của các gia đình thành viên; định hướng và giáo dục nhân cách con cháu hướng tới các giá trị văn hóa vĩnh hằng: chân, thiện mỹ… Làm thế nào để Hội đồng gia tộc có thể quan lý được dòng tộc của mình? Các dòng họ sẽ có quy ước, thường là quy ước từ đời xưa để lại quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong nội tộc. Điều này chính là biểu hiện rất rõ của sự vận hành theo phương thức tự quản của dòng họ, theo dân gian mà nói “ Phép vua còn thua lệ làng”.

Tạm kết

Đến nay, văn hóa dòng họ vẫn là phương thức giáo dục truyền thống đặc sắc. Dòng họ nói chung và gia đình nói riêng là cái nôi phát triển của con người Việt Nam, từ văn hoá vật chất đến văn hóa tinh thần. Dòng họ là bản sắc văn hoá của người Việt, trải qua bao đời vẫn không thay đổi giá trị, ngược lại còn thể hiện sâu sắc tinh thần nguồn cội. Trên thế giới, đã từ lâu, dòng họ trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học với các phân nhánh chuyên sâu: sử học, triết học, di truyền học, nhân chủng học, dân tộc học, xã hội học, gia phả học. Bởi vậy, dù ở đâu, khi nào, tinh thần này đã, đang và sẽ luôn hiện hữu mãi trong tâm trí mỗi người con Việt Nam.