08.10.2022
Vinh quy bái tổ - Một nét đẹp văn hóa hướng về nguồn cội
Hễ cứ đỗ đạt, thành tài ở nơi xa là con người ta tưởng nhớ nơi bản thân được đùm bọc, dưỡng dục, mong được trở về quê hương để cúng bái, cảm tạ công ơn phù hộ của tổ tiên. Truyền thống ấy của người Việt đã từ lâu được thể hiện qua tục Vinh quy bái tổ. Không chỉ góp phần làm giàu và phong phú cho văn hoá nước ta, Vinh quy bái tổ còn góp phần khẳng định truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống hiếu học của người Việt. Ngày nay, những nghi lễ Vinh quy bái tổ không còn được thực hiện, tuy nhiên tinh thần chủ đạo của phong tục này vẫn đâu đó hiện diện trong tầng lớp những người trẻ ngày nay.

Nguồn gốc, nghi thức của tục "Vinh quy bái tổ"

"Vinh quy bái tổ" là tục lệ khi học trò (trong cách gọi thời xưa, học trò bao hàm tất cả những người theo nghiệp đèn sách, tri thức, muốn đỗ đạt làm quan) dành được thành tích cao trong các kì thi Hương, Hội, Đình trở về quê hương để ra mắt người thân họ hàng, bái lạy tổ tiên. Theo Thư tịch triều đại Việt Nam thì tục lệ này có từ thời nhà Lý. Những người đỗ đạt ở Kinh Kỳ sẽ được ban cấp áo mũ, võng ngựa về quê hương bái tổ trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng và họ hàng thân thích. Tên tuổi của họ sẽ được ghi danh sử sách nước nhà, lưu vào phả ký của dòng họ, được người người, đời đời trọng vọng kính nể.

Theo sử sách, thư điển ghi lại thì vị trạng nguyên đầu tiên được vua ban lệ Vinh Quy Bái Tổ là Trạng Chiếu – Phạm Đôn Lễ. Phạm Đôn Lễ đỗ trạng nguyên năm 27 tuổi khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Và có thể đây là giai đoạn tục mà phong tục chính thức ra đời ở nước ta.

Cũng theo các tài liệu, cảnh "Vinh quy bái tổ" gồm việc vị tân khoa được rước từ Kinh thành về quê bởi một đoàn hộ tống rất trang trọng “trống rong cờ mở”. Có đầy đủ cờ, lọng, chiên trống, lính dõng vác giáo, khiêng đồ… Nghi lễ được sắp xếp tuần tự cờ quạt đi đầu tiên, đến cờ biển do vua ban tặng. Rồi mới đến trạng nguyên cưỡi ngựa có lọng che trên đầu đi sau. Vây quanh trạng nguyên thường là 4 lính hầu cầm quạt. Chung quanh đầy ắp tiếng hò reo chúc mừng của những người dân và những người có chức sắc khác nhau đang đứng đón ở cổng làng. Khung cảnh của buổi vinh quy bái tổ vẫn là những hình ảnh quen thuộc của miền quê dân dã, bình dị với cây đa, lũy tre, giếng nước, đình làng. Theo phong tục, người vinh quy có 4 nơi phải đến thực hiện nghi lễ bái tổ. Một là đình làng. Hai là nhà thờ tổ của dòng họ. Ba là trường học (thầy dạy). Bốn là nơi thờ tự của gia đình. ảnh bài viết "Vinh quy bái tổ" là đề tài quen thuộc trong nghệ thuật tranh sơn mài, tranh gốm, v.v. (Nguồn ảnh: sangom.vn)

Ý nghĩa của tục "Vinh quy bái tổ"

Nếu xét ra về mặt nghĩa của ngôn từ, "Vinh quy bái tổ" là cụm từ giàu hàm ý. “Vinh” trong vinh danh, thành công, vinh hiển. “Quy” nghĩa là trở về quê hương, chốn cũ. “Bái” nghĩa là bái lạy, khái vấn. “Tổ” vừa mang nghĩa là tổ tiên, các thế hệ đi trước, vừa bao hàm cả ý nghĩa là nơi “chôn rau cắt rốn”.

Đối với một quốc gia, vinh quy bái tổ là một phần thưởng xứng đáng, một động lực to lớn khuyến khích nhân dân học hành, cống hiến cho đất nước. "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia … các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp...". Câu nói nổi tiếng của vị cận thần Thân Nhân Trung khắc sâu chính sách trọng dụng nhân tài từ xưa đến nay của của những người đứng đầu nước ta.

Đối với mỗi Trạng nguyên hoặc người đỗ đạt cao, vinh quy bái tổ giúp họ được công nhận, được khích lệ cho những ngày tháng miệt mài đèn sách. Nói vậy bởi lẽ có rất nhiều người học trò, nho sĩ khác cũng vận hết sức lực, thời gian, trí thức của bản thân để thi cử, chờ ngày thành danh, nhưng kết quả vẫn là bất thành.

Vinh quy bái tổ thời hiện đại, câu chuyện của những người trẻ hướng về dòng họ

Triều đại xưa thì vinh quy bái tổ thường chỉ dùng cho những người thi khoa cử đỗ đạt trở về quê hương. Ngày nay không chỉ là đỗ đạt thi cử, vinh quy bái tổ cũng được hiểu theo nhiều nghĩa rộng hơn. Miễn là ai đấy thành danh, đem vinh quang về cho gia đình, quê hương, đóng góp cũng như cống hiến để xây dựng và phát triển cộng đồng, xã hội và đất nước, thì đều được xem là những người “vinh quy”. ảnh bài viết

Xã hội dần trở nên hiện đại. Những nghi lễ, nghi thức của ngày vinh quy bái tổ xưa đã được thay bằng những buổi gặp mặt tề tựu thân mật của những người bà con láng giềng. Đôi khi chỉ buổi lễ chỉ gồm vài ba mâm cơm và nén nhang thắp lên ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, tinh thần quý giá nhất của phong tục này vẫn được lưu giữ - ấy là sự hướng về nguồn cội của những những người con thành danh, đỗ đạt của dòng họ, là sự sẻ chia gắn kết của từng người họ hàng thân thích, thứ được tạo dựng từ văn hoá dòng họ. Điển hình có thể kể đến là các nhà vô địch chương trình "Đường lên đỉnh Olympia". Sau khi đăng quang, rất nhiều bạn sắp xếp để quay về gia đình, quê hương và báo công với ông bà, tổ tiên. Hay một số học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế, sau khi đạt huy chương về nước cũng cùng bố mẹ tới nhà thờ họ thắp hương, báo cáo với các bậc tiền nhân về thành tích của mình.

Tạm kết

Bao giờ cũng vậy, những người trẻ và đặc biệt là những người sớm thành công, có thành tích đều nhận thức rõ ràng được vai trò của gia đình, dòng họ trên con đường sự nghiệp của mình. Văn hoá dòng họ người Việt đã từ lâu giáo dục được cho họ hiểu trên hết là lòng biết ơn tổ tiên, kế đến là tinh thần kết nối với họ hàng đều là những phẩm chất đạo đức thật sự đáng quý. Vinh quy bái tổ ngày nay tuy chỉ còn tồn tại dưới hình thức đơn giản, nhưng tinh thần hướng về nguồn cội, dòng họ, lòng biết ơn với tổ tiên sẽ luôn được kế thừa và tiếp nối, không chỉ thế hệ ngày nay mà còn thế hệ mai sau.