21.04.2023
Ý nghĩa câu nói của Bác Hồ về các Vua Hùng và trách nhiệm của thế hệ con cháu của các dòng họ
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. - Chủ tịch Hồ Chí Minh Ngay từ khi bắt đầu học tập dưới mái trường tri thức, chúng ta đã được truyền đạt và giáo dục về ý nghĩa của câu nói có sức ảnh hưởng lớn nhất của Bác về công lao các vị vua Hùng tổ tiên. Và không dừng lại ở đó, câu nói trên là một biểu tượng cho truyền thống giáo dục các thế hệ trẻ của người Việt về công lao của tổ tiên. Đạo lý uống nước nhớ nguồn từ lâu đã trở thành đạo lý xuyên suốt trong cách giáo dục thế hệ trẻ của các gia đình và dòng họ. Trên phạm vi dân tộc, đất nước, câu nói của bác Hồ răn dạy tầng lớp thế hệ trẻ người Việt từ khắp mọi miền trên Tổ Quốc biết tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng đã khai sinh ra nền văn hoá và đặtr nền móng cho nhà nước hành chính đầu tiên. Mặt khác họ phải nỗ lực phát huy bản thân nhằm gìn giữ những thành quả đó. Điều này cũng thật ý nghĩa và đúng đắn với phạm vi dòng họ tại Việt Nam Ngày khi mà trách nhiệm gìn giữ phát huy những thành quả, truyền thống của thế hệ trẻ tại các dòng họ ngày càng được quan tâm. Nhân dịp ngày Giỗ tổ Hùng Vương đang cận kề, hãy cùng Việt Tộc đi tìm hiểu về câu chuyện này trong bài viết dưới đây nhé!

Ý nghĩa câu nói của Bác Hồ với dân tộc

Mùa thu năm 1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chiến ở Đông Dương. Sáng 19-9-1954, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Bác giảng giải nhiều điều và căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (theo Báo Quân đội nhân dân) ảnh bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp

Câu nói của Bác đã thôi thúc ý chí, nghị lực đấu tranh của các lực lượng vũ trang và tầng lớp nhân dân ta trong thời kỳ chiến tranh chống xâm lược. Kể từ thời điểm đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua bao thử thách cam go, tiến lên Cách mạng và giành được độc lập toàn vẹn lãnh thổ. Và không chỉ dừng lại ở việc cổ vũ phong trào đấu tranh của dân tộc, câu nói của Bác Hồ đã khắc ghi những triết lý tầm cỡ dân tộc, xứng đáng để hậu thể chiêm nghiệm, học hỏi, thực hành ngày một tích cực. Chỉ vẻn vẹn hai câu nói, nhưng Bác đã khái quát hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, đúc rút quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước” và “Uống nước nhớ nguồn”.

Sống trong thời đại hoà bình ổn định, nhưng lại đứng trước những nguy cơ và thách thức mới của thời, đây có lẽ thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết để thế hệ trẻ người Việt thực hiện vế thứ 2 của câu nói - ra sức bảo vệ những thành quả của tổ tiên để lại. Lời căn dặn của Bác là dành cho Bác là dành cho toàn bộ dân tộc ta, tuy vậy trong phạm vi dòng họ, thế hệ trẻ hoàn toàn có thể liên hệ với câu nói để có thể xác định tốt trách nhiệm bản thân, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong việc giữ gìn những truyền thống quý giá của dòng họ, đặc biệt là khi xã hội phát triển đã kéo theo nhiều nguy cơ đe doạ, dẫn đến mai một các giá trị truyền thống đó. ảnh bài viết Ảnh: Đền thờ Vua Hùng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài học cho thế hệ trẻ tại các dòng họ

Các dòng họ tại Việt Nam luôn được coi là những tài sản văn hóa quý giá của dân tộc, mang trong mình những giá trị về lịch sử, truyền thống và tâm linh của một cộng đồng. Những thành tựu, đóng góp và truyền thống của các đời tiền nhân đối với dòng họ là vô giá, không chỉ đối với các thành viên trong dòng họ mà còn đối với xã hội nói chung. Với mỗi dòng họ, trách nhiệm này càng trở nên quan trọng hơn.

Dòng họ là một trong những đơn vị tập thể có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội Việt Nam. Mỗi dòng họ đều có một truyền thống, một lịch sử và một di sản riêng. Những giá trị ấy bao gồm cả giá trị về mặt tinh thần và vật chất. Việc nắm rõ được những truyền thống về mặt tinh thần, ví dụ: truyền thống tôn thờ tổ tiên, truyền thống biểu dương, khuyến khích người có thành tích học tập tốt, truyền thống đoàn kết trong lao động sản xuất,... sẽ giúp người trẻ có được định hướng tốt để phát triển bản thân, xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho dòng họ. Và cũng chính từ việc mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện và quay trở lại đền đáp công ơn nguồn cội, thì các dòng họ ngày càng trở nên vững mạnh về mặt vật chất và tinh thần, ví dụ như việc sửa sang từ đường, thành lập các quỹ khuyến học, khuyến tài, cập nhật, in cây gia phả làm tư liệu giáo dục, và xa hơn là sử dụng công nghệ, các mạng cộng đồng nhằm kết nối và phát triển dòng họ tốt hơn. ảnh bài viết Ảnh minh hoạ: Người trẻ tham gia vào các hoạt động mang tính phong tục và truyền thống của dòng họ

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cùng với sự thay đổi về lối sống và tư tưởng của con người, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một và lãng quên. Vì vậy, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị này ngày càng cần được chú trọng hơn. Thế hệ trẻ của các dòng họ cần lắng nghe học hỏi từ những sự chỉ bảo hướng dẫn, chia sẻ của thế hệ cha chú. Họ cần hiểu rằng, giữ gìn và phát huy những giá trị này không chỉ là trách nhiệm của mình, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bản thân. Kế đến là đóng góp cho sự phát triển chung của dòng họ trong khả năng của mình, ví dụ như làm sạch, dọn dẹp không gian thờ cúng, cùng nhau đoàn kết yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập, tham gia các lễ nghi quan trọng,...Việc trau dồi bản thân, nâng cao nhận thức sẽ giúp cá nhân mỗi người trẻ hiểu vai trò bản thân trong việc gìn giữ thành quả cha ông, từ đó sẽ có ý thức bảo tồn được cả những giá trị quý báu trên phạm vi cả xã hội.

ảnh bài viết Ảnh minh hoạ: Trong thời kỳ hiện đại, người trẻ có thể sử dụng công nghệ, các mạng cộng đồng nhằm kết nối và phát triển dòng họ tốt hơn.

Tạm kết

Lời răn dạy bất hủ của Bác như một di sản tinh thần quý báu của dân tộc ta trong việc gìn giữ thành quả và giá trị truyền thống của nước Việt. Giờ đây trong một thời đại đầy thách thức và đa dạng như hiện nay, nhiều dòng họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau trong việc giữ gìn và phát huy di sản của mình, thì câu nói của Bác càng như kim chỉ Nam dẫn đường cho sự tồn tại và phát triển của các dòng họ Việt. Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng mười tháng ba này, Việt Tộc xin chúc cho toàn thể các dòng họ sẽ có những ngày nghỉ lễ ý nghĩa quý báu. Chúc cho thế hệ trẻ tại các dòng họ luôn có nhiều cơ hội để được học hỏi về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo tồn các giá trị truyền thống tại dòng họ mình.